Tuesday, September 26, 2017

Enzyme - Phương thức sống lành mạnh

ENZYME - PHƯỚC THỨC SỐNG LÀNH MẠNH

Cuốn sách "Enzyme - Phương thức sống lành mạnh" đang là một cuốn sách nổi tiếng hiện nay nói về thói quen ăn uống và sinh hoạt lành mạnh của thời hiện đại. Cuốn sách được viết bởi bác sĩ  Hiromi Shinya, người đã nghiên cứu hơn 300.000 bệnh nhân lâm sàng, đúc kết được những thông tin hữu ích và quan điểm có thể nói là rất khác với những quan điểm trước đây mà chúng ta đã từng biết đến.

Nhận thấy thói quen ăn uống và lối sống sinh hoạt cũng là một phần quan trọng không nhỏ đối với những người quan tâm đến sức khỏe, những người yêu bộ môn Yoga, mình xin tóm tắt tại đây một số nội dung quan trọng, dành cho những bạn không có thời gian đọc sách, hoặc cũng là để các bạn tham khảo trước khi tìm đọc quyển sách này.

Trước khi đi vào tìm hiểu kỹ hơn, mình muốn các bạn hiểu rằng, cơ thể con người của chúng ta rất là kỳ diệu, một bộ máy có hệ thống miễn dịch, tự tái tạo và lành lặn, chuyển hóa chất đinh dưỡng, hay phân giải độc tố. Việc chúng ta làm là lắng nghe cơ thể chính mình, ăn uống và sinh hoạt lành mạnh.

Hầu như tất cả các bệnh của cơ thể đều bắt nguồn từ việc chúng ta ăn uống và lối sống không khoa học, không lành mạnh. Chúng ta chỉ biết điều trị phần ngọn, phần bề nổi khi chúng ta mắc bệnh, ví dụ như là bị ung thư thì uống thuốc ung thư, bị dạ dày thì uống thuốc dạ dày... Thực tế thì tất cả đều có liên quan với nhau và bắt nguồn từ dạ dày của chúng ta.

Cụm từ chủ đề được nhắc đến xuyên suốt trong toàn quyển sách chính là từ "Enzyme". Bởi nó là nhân tố quan trọng trong cơ thể chúng ta, tham gia vào tất cả các hoạt động thiết yếu duy trì sự sống như tổng hợp, phân giải, vận chuyển các chất, đào thải, thải độc, cung cấp năng lượng ... đều không khỏi cần sự hỗ trợ của Enzyme.

Từ kết quả lâm sàng khi tiến hành kiểm tra dạ dày của hơn 300.000 người, bác sĩ đã rút ra kết luận: "Người có sức khỏe tốt là người có dạ dày đẹp, ngược lại, người có sức khỏe kém là người có dạ dày không đẹp". Tình trạng của dạ dày, đường ruột được ví là "vị tướng" và "tràng tướng". "Người có vị tướng và tràng tướng tốt thì cơ thể và tâm trí của người đấy cũng khỏe mạnh".

"Yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến vị tướng và tràng tướng chính là thói quen ăn uống cũng như thói quen sinh hoạt hàng ngày".

Sự liên quan mật thiết của việc ăn uống sinh hoạt với sức khỏe của chúng ta?

Trong cơ thể chúng ta có hơn 5.000 loại enzyme, và cũng có thể tổng hợp enzyme từ các bữa ăn hàng ngày. Có nhiều loại enzyme vì mỗi loại sẽ đảm nhiệm một hoạt động duy nhất, ví dụ như enzyme phục vụ cho tiêu hóa, enzyme cho việc thải độc... Và bên cạnh đó cũng có một số "enzyme nguyên mẫu", là loại enzyme có khả năng trở thành bất cứ loại enzyme chuyên biệt nào, nhằm đáp ứng nhu cầu của cơ thể.

Điều này có nghĩa là "tại một vị trí cố định, khi các enzyme chuyên biệt bị sử dụng một lượng lớn, thì các enzyme cần thiết cho các bộ phận khác trong cơ thể có xu hướng giảm xuống".

Ví dụ, khi bạn uống nhiều rượu bia, các enzyme phân giải cồn trong gan sẽ bị dùng với lượng lớn, và trong dạ dày của chúng ta sẽ thiếu enzyme cần thiết cho việc tiêu hóa.

Vì thế, việc ăn uống khoa học giúp hỗ trợ các enzyme nguyên mẫu, và thói quen sống lành mạnh sẽ không làm tiêu tốn các enzyme này, giúp cải thiện vị tướng và tràng tướng, chính là chìa khóa giúp chúng ta sống khỏe mạnh.

Một số quan điểm sai lầm trong việc ăn uống?
Một số phương pháp phổ biến hiện nay được cho là tốt cho sức khỏe, thực ra lại là những phương pháp sai lầm.

- Ăn thịt nhiều không có nghĩa là khỏe mạnh: Ăn thịt khiến dạ dày bị tổn thương, bởi vì thịt không có chất xơ và có quá nhiều chất béo cùng cholesterol. Khi ăn nhiều thịt, thành dạ dày sẽ cứng và dày lên, vì trong thịt không có chất xơ nên lượng phân ít đi, để đào thải lượng phân ít này, ruột phải thực hiện nhu động nhiều hơn nên các cơ thịt cấu thành đường ruột trở nên dày và to hơn, sẽ khiến cho áp suất bên trong tăng lên. Khi áp lực bên trong ruột tăng lên tạo các vết lõm hay gọi là "túi thừa trong ruột".
Khi tình trạng này diễn ra liên tục thì ruột rất khó đẩy phân ra bên ngoài, dẫn đến phân bị đóng khối, bám vào thành đại tràng. Phân tích tụ lâu ngày sẽ sinh ra độc tố, tạo ra các polyp. Khi polyp phát triển sẽ dẫn đến ung thư.

Đường ruột xấu thường dẫn đến nhiều loại bệnh như ung thư đại tràng, polyp đại tràng, và thực tế là những người có đường ruột xấu thường mắc các bệnh u xơ tử cung, cao huyết áp, xơ vữa động mạch, bệnh tim mạch, béo phì, ung thư vú,...

- Càng uống thuốc dạ dày càng làm dạ dày kém đi: Thực ra khi chúng ta uống thuốc dạ dày chính là để ức chế quá trình tiết axit trong dạ dày. Tuy nhiên, dạ dày lại là môi trường cần nhiều axit, vì các vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể thông qua dạ dày, chúng ta cần axit mạnh trong dịch vị dạ dày để tiêu diệt hết lượng vi khuẩn này.

Từ đó, do không có đủ axit dạ dày, sẽ có những tác hại:
   + không hấp thu khoáng chất như sắt, canxi, magie
   + các loại vi khuẩn độc tích thâm nhập, gây tiêu chảy
   + thiếu dịch vị cho tiêu hóa
   + phá vỡ cân bằng vi khuẩn trong đường ruột
   + "lông nhung" hoạt động kém, gây co thắt dạ dày, có thể phát triển vi khuẩn HP, là nhân tố của bệnh ung thư dạ dày

- Không thể chữa bệnh ung thư bằng các loại thuốc chống ung thư: Bất kỳ loại thuốc nào đi vào cơ thể chúng ta cũng đều là thuốc độc, mà thuốc chống ung thư lại là một loại nguy hiểm nhất đối với các enzyme nguyên mẫu.

Thực ra cơ thể con người có hệ thống miễn dịch và có thể tái tạo của chính nó. Hệ thống miễn dịch hoạt động có tốt hay không liên quan đến việc cơ thể chúng ta có bao nhiêu enzyme nguyên mẫu.

Thuốc chống ung thư dựa vào việc tạo ra các gốc tự do oxy hóa có độc tính mạnh để tiêu diệt tế bào ung thư, và vì thế nó không chỉ tiêu diệt tế bào ung thư mà còn tiêu diệt luôn cả các tế bào bình thường. Chính vì vậy, khi có một lượng gốc tự do oxy hóa độc tính xâm nhập cơ thể, các enzyme nguyên mẫu phải tập trung phân giải độc tính này, sẽ làm thiếu hụt enzyme cho các quá trình khác của cơ thể, chính là nguyên nhân của tác dụng phụ như là rụng tóc, chán ăn,...

- Uống nhiều sữa bò dẫn đến loãng xương: Trong khi các quảng cáo trên ti vi ngày nay khuyên chúng ta nên uống nhiều sữa bò để bổ sung canxi phòng chống loãng xương, thì thực tế sữa bò lại không giúp ích được mấy đến việc phòng chống loãng xương hay thậm chí là cho sự phát triển của các trẻ nhỏ.

Nồng độ canxi trong máu người ổn định trong khoảng 9-10 mg. Khi uống sữa bò, nồng độ canxi trong máu tăng lên, thì cơ thể của chúng ta sẽ tự điều chỉnh sao cho nồng độ canxi quay về như ban đầu, vậy thì lượng canxi thừa sẽ được thận bài tiết qua đường nước tiểu. Vì thế mà sữa bò không giúp được mấy cho việc phòng chống loãng xương.

Thế nào là phương thức ăn uống thông minh?

Điều trước tiên để cho chúng ta khỏe mạnh chính là chúng ta phải thực sự tận hưởng và cảm thấy hạnh phúc đối với việc ăn uống. Phương pháp Shinya khuyến khích vừa học tập vừa tự nhiên. Hãy lắng nghe cơ thể để biết điều gì là phù hợp nhất với chính mình. Phương pháp Shinya đưa ra một số định hướng trong ăn uống để đảm bảo sức khỏe:
- Tỷ lệ cân đối giữa thực phẩm thực vật và thực phẩm động vật là 85%-15%.
- Trong tổng thể bữa ăn, ngũ cốc 50%, rau củ quả 35-40%, thực phẩm động vật 10-15%
- Nên chọn loại ngũ cốc (hay gạo) không chế biến tinh
- Đối với thực phẩm động vật, nên chọn thịt động vật có thân nhiệt thấp hơn thân nhiệt của người
- Tất cả thực phẩm là loại tươi mới, không thuốc hóa chất
- Hạn chế sữa và sản phẩm từ sữa
- Hạn chế dùng đồ ăn chiên rán, bơ thực vật
- Ăn một ít, nhai kỹ (nhai kỹ giúp tiết ra nhiều enzyme hơn)

Với những nội dung tóm tắt như trên, hy vọng các bạn đã có được những khái niệm và định hướng đúng cho việc đảm bảo sức khỏe của chính bản thân và gia đình mình.

Chúc các bạn luôn vui vẻ!

Amie on behalf of Happy Yoga 

No comments:

Post a Comment